Phễu truyền thông: Hiểu đúng để làm đúng
Việc đánh giá hiệu quả của một chiến dịch truyền thông cần căn cứ vào một khung khuôn khổ nhất định cho truyền thông và quan hệ công chúng, được gọi là phễu truyền thông.
Từ trước đến nay, truyền thông và quan hệ công chúng luôn là ngành bị cho là khó đánh giá hiệu quả. Việc đo lường kết quả của các chiến dịch truyền thông giờ đây không còn bị giới hạn bằng số lượng tin bài được đăng tải trên các đầu báo hay lượng xem và truy cập thông tin hàng tháng tại các website.
Tập đoàn CISION vào quý 4/2009 có đưa ra khái niệm cụ thể về phễu truyền thông. Từ việc nhắc lại các lý thuyết truyền thông đến chi tiết các số liệu cụ thể hóa đo lường, những người hoạt động truyền thông và quan hệ công chúng chuyên nghiệp có thể xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình truyền thông và tiếp thị sản phẩm để từ đó có cách đo lường phù hợp. Cũng qua đó, ban lãnh đạo hay tổ chức có thể ghi nhận những nỗ lực cụ thể từ phòng ban truyền thông nói chung hay của bộ phận chuyên trách nói riêng.
Mức độ xây dựng thương hiệu
Thường thì ở phần đầu phễu, tác động ở cấp độ thương hiệu là điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của rất nhiều người về tác động của hiệu ứng truyền thông và quan hệ công chúng lên một doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng, rõ ràng, nhưng nó chỉ là khởi đầu, không phải là toàn bộ đóng góp mà bộ phận truyền thông thực hiện.
Thương hiệu của doanh nghiệp được cảm nhận trong tâm trí khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp và của đại bộ phận đông đảo công chúng. Nó thể hiện thông qua những khái niệm như nhận thức (công chúng thậm chí có biết doanh nghiệp hay nhãn hàng tồn tại hay không?), tư duy khi nghĩ về ngành nghề doanh nghiệp đang kinh doanh (họ nghĩ về doanh nghiệp nào đầu tiên?) và danh tiếng (tốt, xấu, hay trung lập?). Một khi công chúng nhận thức hay tương tác với thương hiệu của doanh nghiệp/ nhãn hàng một cách thuận lợi, các hoạt động truyền thông được xem là có kết quả.
Tuy nhiên, việc thu hút sự chú ý cũng đang ngày càng khó khăn trong thế giới của sự nhiễu động và nhận thức bị ảnh hưởng khi bối cảnh truyền thông rạn nứt bởi sự hỗn loạn VUCA và ngập tràn tin giả.
Tần suất đề cập đến thương hiệu từ lâu được xem như một cách đo lường nhận thức về thương hiệu. Bên cạnh số lần đề cập mà doanh nghiệp đang nhận được, cần phải chú trọng đến chất lượng của các đề cập này. Việc số liệu bất kỳ không theo hướng mong muốn luôn có khả năng xảy ra.